Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào 16 giờ ngày 4-11, vị trí tâm bão cách Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 340 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 16 giờ ngày 5-11, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với gió mạnh nhất là cấp 8, giật cấp 10. Sau đó, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15 km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa.

Bão số 10 hướng vào Quảng Ngãi - Khánh Hòa - Ảnh 1.

Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai họp về bão số 10 - Ảnh: Văn Duẩn

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo từ ngày 4 đến 6-11, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Phú Yên có mưa to đến rất to. Từ ngày 5 đến 7-11, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to.

Phát biểu tại cuộc họp giao ban ứng phó ngày 3-11, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, nhấn mạnh bão số 10 có thể diễn biến phức tạp do mưa lớn; rủi ro lũ, lũ quét, sạt lở đất, nhất là tại các khu vực đang bị thiệt hại nghiêm trọng từ đầu tháng 10 đến nay. Do đó, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan.

Ngày 3-11, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công văn yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn những người mất tích tại huyện Nam Trà My và Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam). Hiện tại còn 19 người mất tích do sạt lở đất xảy ra chiều 28-10 ở huyện Nam Trà My (15 người) và huyện Phước Sơn (4 người).

UBND tỉnh Quảng Ngãi trong ngày 3-11 đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc khẩn trương triển khai di dời dân để ứng phó với bão số 10 và mưa lớn trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện Sơn Tây, Minh Long, Sơn Hà tổ chức sơ tán, di dời dân, cán bộ, công nhân đang ở những khu vực đã và đang bị sạt lở đến nơi tránh trú an toàn trước 17 giờ ngày 3-11. Bà Đinh Thị Trà, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, cho biết toàn huyện Sơn Hà có 79 hộ, 335 khẩu nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở núi phải sơ tán ngay gồm thị trấn Di Lăng, xã Sơn Ba và xã Sơn Thành. Còn tại huyện Sơn Tây, đã di dời 330 hộ, 1.217 khẩu đến nơi an toàn. 

Thiệt hại 17.000 tỉ đồng vì bão lũ

Chính phủ vừa có Văn bản số 583/BC-CP báo cáo Quốc hội về tình hình phòng chống thiên tai, bão lũ ở các tỉnh miền Trung.

Theo báo cáo, từ đầu tháng 10 đến nay, 5 cơn bão đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc và Trung Trung Bộ gây ra mưa đặc biệt lớn, lũ lịch sử, nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng. Từ cuối tháng 9 đến nay đã có 235 người chết và mất tích, trên 201.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái (riêng bão số 9 là 80 người chết, trên 177.000 ngôi nhà hư hỏng). Ước tính thiệt hại về kinh tế là khoảng 17.000 tỉ đồng, riêng thiệt hại do bão số 9 là hơn 10.000 tỉ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 11.500 tấn gạo (dự kiến tiếp tục hỗ trợ thêm khoảng 9.000 tấn gạo) và trên 1.000 tỉ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương hỗ trợ kịp thời người dân bị ảnh hưởng.