Ngày 9/7 vừa qua đặt dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến dẹp loạn thị trường vàng. Cả trăm tấn huy động từ dân cư trước đây đã được bóc tách hoàn toàn khỏi hệ thống, chấm dứt nghiệp vụ vay mượn đầy rủi ro đeo đẳng cả thập kỷ qua. Một khi các ngân hàng ngừng huy động và cho vay bằng vàng, họ cũng không còn cơ hội "múa tay trong bị", dùng vàng vay mượn để kinh doanh, lướt sóng kiếm lời.
Ngân hàng Nhà nước nhiều lần kỳ vọng thị trường sẽ yên ổn hơn khi các ngân hàng tất toán hoàn toàn trạng thái huy động, cho vay vàng. Vì thế mà hạn tất toán 30/6 dù bị du di tới hơn một tuần sau mới hoàn tất, vẫn là niềm vui khôn xiết với nhà điều hành.
Hai tuần đã trôi qua kể từ mốc quan trọng đó, nhu cầu mua bán thực tế trên thị trường không lớn, nhưng vàng đấu thầu tung ra bao nhiêu đều được ngân hàng và doanh nghiệp mua hết bấy nhiêu, chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới thu hẹp chưa như kỳ vọng. Chỉ một tuần Ngân hàng Nhà nước giãn tiến độ đấu thầu, khoảng chênh ấy lại nới rộng. Các đầu mối kinh doanh lý giải cầu không quá lớn nhưng vì nguồn cung phập phù, phải đẩy giá bán lên cao hơn nữa so với thế giới để dự phòng an toàn. Giờ muốn có vàng để bán cho dân, họ chỉ trông chờ vào cửa chính thức duy nhất là các phiên đấu thầu.
Tất nhiên không phải ai cũng tin vào lời biện bạch đó. Trước đây tiếng là có quyền nhập khẩu, các đầu mối chỉ được cấp quota một năm đôi ba lần và mỗi lần cũng chỉ vài tấn. Còn hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang đấu thầu hằng tuần, mỗi phiên ít cũng một tấn. Nhưng những điều họ nói và làm cho thấy khả năng thao túng thị trường vẫn lớn cho dù Ngân hàng Nhà nước đã là người cầm chịch cuộc chơi.
Với lợi thế về tài chính, sự trường vốn, các ngân hàng có thể bắt tay nhau tạo "sóng" trên thị trường vàng. Ảnh: Anh Quân. |
Để dẹp loạn thị trường, Nghị định 24 ra đời năm ngoái đã trao độc quyền nhập khẩu, sản xuất và cung ứng vàng cho Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan này cũng đã ra tay xóa sổ hàng nghìn điểm kinh doanh vàng miếng tự phát, chỉ cấp phép cho 22 ngân hàng cùng 16 doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm quản trị rủi ro với mong muốn đáp ứng nhu cầu mua bán của dân chúng một cách an toàn, có kiểm soát.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng, khi thị trường còn lộn xộn, nhà điều hành cho phép các ngân hàng kinh doanh vàng là hợp lý nhưng sau khi đã tiến một bước xa như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước nên sớm cân nhắc lại.
"Về lâu dài, các ngân hàng thương mại nên trở về với chức năng truyền thống là huy động và cho vay nền kinh tế. Nếu có liên quan đến vàng chỉ là giữ hộ mà thôi", ông Hiếu đề nghị. Cũng theo vị chuyên gia này, ngân hàng có đặc quyền huy động vốn từ dân chúng thì đáng lý phải dùng vốn đó cho vay với nền kinh tế để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thay vì đem đi đầu tư sinh lời.
"Bài học dùng vốn cho vay đầu tư bất động sản còn đó và có thể lặp lại với hoạt động kinh doanh vàng nếu thiếu kiểm soát", ông nói.
Ông Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh không nêu rõ quản điểm ủng hộ hay phản đối, chỉ thông tin nhiều nước trên thế giới không cho phép ngân hàng thương mại kinh doanh vàng.
"Nếu cần, các nước cho thành lập ngân hàng vàng riêng, vì vàng là loại kinh doanh mạo hiểm, nếu để ngân hàng thương mại thực hiện, có thể dẫn đến sự dịch chuyển vốn từ khu vực tín dụng sang khu vực vàng. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến lòng tin của người gửi tiền", ông Nghĩa phân tích về những hệ lụy khi ngân hàng thương mại "chơi" vàng.
Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Công ty Vàng Việt Nam Trần Thanh Hải cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên "phát huy sức tiến công" của những kết quả đạt được vừa qua để hạn chế hoặc kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng của các ngân hàng thương mại.
Theo giới chuyên gia, họ vẫn nhìn thấy khả năng đầu cơ, tạo sóng trên thị trường vàng với sự tham gia của các tổ chức tín dụng. Ngân hàng có lượng vốn lớn và dài hơi, mạng lưới rộng, nên có thể chi phối tới thị trường. Chưa kể, họ còn có lợi thế về kinh nghiệm tài chính nên theo lãnh đạo một doanh nghiệp vàng, khi đi kinh doanh, họ chắc chắn sẽ thắng và kiếm lời dễ dàng. "Vì mục tiêu lợi nhuận, chẳng khó để các ngân hàng có thể tạo những cơn sốt mua vàng đấu thầu rồi sau đó tung hứng", vị lãnh đạo này phân tích.
Trong tính toán của mình, Ngân hàng Nhà nước đã thiết lập "chiếc van" chặn việc đầu cơ khi yêu cầu trạng thái vàng cuối ngày của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái âm. Lực lượng thanh tra giám sát luôn túc trực để mắt xem ngân hàng làm gì với số vàng đấu thầu.
Vốn tự có của hơn 22 ngân hàng được cấp phép kinh doanh vàng miếng hiện nay ước khoảng 132.000 tỷ nếu tính bình quân mỗi nhà băng có 6.000 tỷ đồng. Như vậy, cuối ngày, các nhà băng được "găm" tối đa 2%, khoảng 2.640 tỷ (tương đương gần 70.000 lượng vàng nếu lấy giá tạm tính 38 triệu mỗi lượng).
Nhiều ý kiến cho rằng với 70.000 lượng này, các ngân hàng vẫn có thể "làm được nhiều chuyện". "Về nguyên tắc, 2% so với vốn tự có thì khá nhỏ, không đủ đầu cơ. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng đồng loạt bắt tay nhau, cùng găm trạng thái 2% không bán ra, sẽ ảnh hưởng đến giá vàng", tổng giám đốc một doanh nghiệp vàng phân tích.
Thanh Thanh Lan
chuyên gia, trạng thái, hiện nay, ngân hàng, thao túng, thị trường, giải pháp
Ý kiến bạn đọc