Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, rất bất ngờ khi nhận được kết quả khảo sát PISA 2012 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vào ngày 3/12. Theo đó, OECD đã tiến hành khảo sát hơn 510.000 học sinh ở 65 quốc gia và nền kinh tế về khả năng ở các môn: Toán, Đọc hiểu và Khoa học, trong đó tập trung chủ yếu vào môn Toán.
Bảng xếp hạng môn Toán của khảo sát PISA 2012. |
Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học (528 điểm), thứ 17 về Toán (511 điểm) và thứ 19 về Đọc hiểu (508 điểm). Khu vực Đông Nam Á có 5 nước tham gia gồm Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia thì Việt Nam đứng thứ 2 sau Singapore.
Ở môn Toán, học sinh Thượng Hải (Trung Quốc) dẫn đầu với điểm số trung bình 613. Việt Nam cao hơn mức trung bình (494 điểm) và có thứ hạng cao hơn nhiều so với các nước phát triển như Anh (494 điểm, xếp thứ 26), Pháp (495 điểm), và Mỹ (481 điểm, xếp thứ 31).
"So với kỳ vọng đạt mức trung bình hoặc dưới trung bình thì vị trí thứ 17 môn Toán của học sinh Việt Nam trong lần đầu tiên tham gia khảo sát PISA là kết quả đáng khích lệ. Việt Nam là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong 65 nước tham gia nhưng chất lượng học sinh đã gây bất ngờ cho cả thế giới", ông Hiển nói.
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cho rằng, kết quả khảo sát PISA rất đáng cổ vũ bởi đây không phải là kỳ thi mà là kỳ kiểm định chất lượng. PISA không lựa chọn ai đỗ, ai trượt mà xem xét trình độ, mức độ của học sinh Việt Nam như như thế nào so với với khu vực và thế giới.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, ông rất bất ngờ khi nhận được kết quả khảo sát PISA 2012 bởi khi tham gia chỉ kỳ vọng đạt mức trung bình hoặc dưới trung bình. Ảnh: HT. |
OECD lựa chọn mẫu trường và học sinh tham gia PISA một các ngẫu nhiên trên cơ sở nguồn dữ liệu học sinh toàn quốc do Việt Nam cung cấp. Theo đó, Việt Nam có 162 trường thuộc 59 tỉnh, thành phố tham gia PISA 2012. Có 4 tỉnh, thành phố không có trường rơi vào mẫu khảo sát là Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn và Cần Thơ. Đối tượng tham gia PISA ở Việt Nam là học sinh 17 tuổi, chủ yếu rơi vào lớp 10 THPT chính quy, ngoài ra còn có học sinh trường nghề, trường THCS, trung tâm GDTX.
"Việt Nam xác định tham gia PISA trước tiên để học hỏi kinh nghiệm đánh giá giáo dục của quốc tế và biết giáo dục nước ta ở đâu so với các nước phát triển trên thế giới. OECD sẽ phân tích kết quả, các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả và đưa ra các khuyến nghị về chính sách giáo dục cho các quốc gia, qua đó, Việt Nam sẽ biết mình nên làm gì để hội nhập quốc tế và phát triển giáo dục", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói.
PISA (Chương trình quốc tế đánh giá học sinh) là chương trình nghiên cứu so sánh, đánh giá chất lượng giáo dục lớn nhất trên thế giới từ trước đến nay. PISA được triển khai với mục đích kiểm tra, đánh giá và so sánh trình độ học sinh ở độ tuổi 15 giữa các nước trong khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) và các nước khác trên thế giới. Chương trình này được tổ chức định kỳ 3 năm một lần, và năm nay là lần đầu tiên Việt Nam tham gia.
chương trình, đánh giá, học sinh, quốc tế, công bố, kết quả, khảo sát, tổng số, tham gia, vị trí
Ý kiến bạn đọc