Thượng tướng Trần Đơn nói: việc tận dụng đất chưa sử dụng ngay cho mục đích quốc phòng tại sân bay Tân Sơn Nhất để hợp tác kinh doanh còn nhiều vấn đề phức tạp. Bộ Quốc phòng và Quân ủy trung ương cương quyết xử lý vấn đề này.
Nhiều nội dung thượng tướng Trần Đơn nêu ra tại Hội nghị quán triệt, triển khai kết luận của thường vụ Quân ủy trung ương về quản lý sử dụng đất quốc phòng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sáng 8-8 tại TP.HCM là những thông tin rất mới.
Giải quyết tồn đọng, không mở mang kinh doanh
Thượng tướng Trần Đơn cho biết Bộ Quốc phòng đã có chủ trương yêu cầu tất cả các đơn vị quân đội đang đóng trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất tuyệt đối không được ký kết mới các hợp đồng cho thuê nhà đất, kho bãi trong sân bay.
Ông nói: “Bây giờ tập trung giải quyết tồn tại, không được mở mang kinh doanh, chấm dứt việc liên doanh liên kết trong phạm vi đất quốc phòng ở sân bay. Đây là quyết tâm cao của thường vụ Quân ủy trung ương”.
Nhắc đến sân golf ở sân bay Tân Sơn Nhất, thượng tướng Trần Đơn nói thời gian qua sân golf Tân Sơn Nhất “ầm ĩ nhiều vấn đề”. Tinh thần của Bộ Quốc phòng là sẽ chấp hành nghiêm túc, khi Chính phủ quyết định thu hồi, Bộ Quốc phòng sẵn sàng bàn giao và sẽ tính toán với nhà đầu tư cho hợp lý.
“Bộ Quốc phòng luôn chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm. Phải lập lại trật tự và đưa công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng hiệu quả, đúng pháp luật” - ông nói.
Với các dự án liên kết kinh doanh nằm ngoài chủ trương, nhất là đất cho thuê làm kho hàng hóa trong sân bay, thượng tướng yêu cầu phải thu hồi. “Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sân bay, các dạng cho thuê, kinh doanh này buộc phải chấm dứt” - ông nói.
Thứ trưởng cũng cho biết sẽ chỉ đạo rà soát việc sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động kinh tế trên cả nước để chấn chỉnh. Ông cũng cho rằng không chỉ các đơn vị quân đội mà các đơn vị, tổ chức ngoài quân đội đang liên doanh, liên kết với quân đội cũng cần hết sức chia sẻ để chấn chỉnh.
Thượng tướng Trần Đơn cũng cho biết Bộ Quốc phòng sẽ chọn một số nơi thanh tra việc sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế. Xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc quản lý đất quốc phòng có vấn đề sai phạm và xử lý nghiêm.
|
Đường Trường Chinh - đoạn tiếp giáp với sân bay Tân Sơn Nhất có 50 kiôt và 3 cây xăng sẽ bị giải tỏa - Ảnh: HỮU KHOA |
Sẵn sàng giao đất phục vụ phát triển
Tại hội nghị, thượng tướng Trần Đơn đã đề cập đến các vị trí mà Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao đất cho các đơn vị dân sự. Mới nhất là đất quốc phòng dọc đường Trường Chinh, đoạn từ gần mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa đến ngã ba Trường Chinh - Phạm Văn Bạch. Tại đây hiện có 3 cây xăng và 50 kiốt.
Ông yêu cầu Quân chủng phòng không không quân và sư đoàn không quân 370 trong 10 ngày phải đình chỉ hoạt động các cơ sở này, trong 1 tháng phải phối hợp cùng UBND quận Tân Bình giải tỏa và giao toàn bộ đất cho địa phương trồng cây xanh.
Với 14ha đất bàn giao cho Bộ GTVT mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, thượng tướng Trần Đơn khẳng định Bộ Quốc phòng sẵn sàng bàn giao bất kỳ lúc nào, không chần chừ. Nhưng hiện nay Chính phủ chưa quyết định phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nên Bộ GTVT chưa tiếp nhận.
Về 1,3ha đất để làm hồ điều hòa chống ngập trong sân bay, Bộ Quốc phòng cũng sẵn sàng bàn giao và đề nghị Bộ GTVT phải xác định sớm chọn đơn vị, phương án thực hiện để nhận bàn giao.
Về việc dùng quỹ đất quốc phòng để phát triển giao thông tại TP.HCM, thượng tướng Trần Đơn cho biết hiện nay giữa Sở GTVT, Viện thiết kế Bộ Quốc phòng và Cục tác chiến của Bộ tổng tham mưu đang phối hợp để đo vẽ, xác định các tuyến đường mở rộng.
Bộ Quốc phòng đã nắm được là phải cần 6 - 7ha để mở rộng đường Hoàng Hoa Thám ra đường Trường Chinh, đường 18E và đường Phan Thúc Duyện nối dài (Tân Bình).
Về cơ bản, ông cho biết thường vụ Quân ủy trung ương đồng ý chủ trương này nên đề nghị các cơ quan xúc tiến nhanh hơn để có phương án báo cáo Chính phủ. “Tôi nhấn mạnh là Bộ Quốc phòng sẵn sàng bàn giao đất để mở rộng đường vì trách nhiệm, sự phát triển chung của TP.HCM” - thượng tướng Trần Đơn nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý: việc mở rộng đường sẽ đi qua một số đơn vị quốc phòng. Do đó, phải tính toán để đường không bị cong. Tuy nhiên, hết sức hạn chế việc đi qua các đơn vị quốc phòng để giảm kinh phí di dời.
Giao đất nhưng phải chờ quy hoạch lại sân bay Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết Bộ Quốc phòng đã thống nhất chủ trương bàn giao đất cho Bộ GTVT để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Theo nguyên tắc, khi quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được các bộ ngành trong đó có Bộ Quốc phòng thống nhất và được Thủ tướng phê duyệt thì Bộ GTVT và TP.HCM mới tiến hành nhận bàn giao đất để thực hiện quy hoạch. Tháng 5-2017, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Do quy hoạch này không đề cập sử dụng diện tích đất sân golf để mở rộng sân bay, trên cơ sở đề xuất của TP.HCM, giữa tháng 6-2017 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ GTVT chủ trì thuê tư vấn nước ngoài có đủ năng lực khảo sát, nghiên cứu mở rộng sân bay cả về phía bắc (khu vực sân golf) và phía nam. Sau khi tư vấn hoàn thiện các phương án, Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các bộ liên quan, UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan thành lập hội đồng thẩm định, báo cáo Thường trực Chính phủ trước tháng 12-2017. Thực hiện chỉ đạo này, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng đề xuất cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài nhằm đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, hiện chưa có kết luận về đề xuất chỉ định thầu này. |
Ý kiến bạn đọc