20h ngày 16/7, tâm bão Talas cách bờ biển Thanh Hóa - Hà Tĩnh khoảng 160 km với sức gió tối đa lên 100 km/h, tương đương cấp 9-10. Hiện khu vực Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Cồn Cỏ (Quảng Trị), gió giật cấp 8. Một số nơi có mưa rất to như Hoành Sơn (Hà Tĩnh), Tân Mỹ (Quảng Bình), Cồn Cỏ (Quảng Trị) trên 200 mm.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, với hướng tây tây bắc, vận tốc 20 km/h, dự kiến bão đổ bộ vào Thanh Hóa - Hà Tĩnh vào đêm 16/7, rạng sáng 17/7 với sức gió 75-90 km/h, tương đương cấp 8-9, giật cấp 10-12. Ven biển Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-10.
Ở các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình và sâu trong đất liền khu vực các tỉnh thành từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh có gió giật cấp 6-8. Bão sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực Trung Lào.
Dự kiến đường đi của bão lúc 16h. Ảnh: NCHMF. |
Công tác ứng phó với cơn Talas của 3 tỉnh nằm trong vùng tâm bão đã hoàn tất. Tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), lúc 20h trời tạnh ráo, gió nhẹ. Du khách đã lên hết bờ. Một số hàng quán dọc đường ven biển Hồ Xuân Hương vẫn mở cửa. Con đường này được thành phố trưng dụng làm nơi để tàu thuyền của ngư dân.
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch tỉnh cho biết, tất cả tàu thuyền đánh bắt ngoài khơi đã vào nơi tránh trú bão an toàn. Tỉnh cũng sẵn sàng phương án sơ tán khoảng 250.000 dân cách mép nước 200 m nếu tình hình khẩn cấp.
"Các hộ dân trong diện sơ tán đã được thông báo chuẩn bị sẵn sàng tư trang, lương thực", ông Quyền nói và cho biết lực lượng công an, quân đội với các phương tiện chuyên dụng đang ứng trực theo dõi diễn biến bão.
Ngư dân kéo tàu thuyền lên mặt đường Hồ Xuân Hương.
Tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), từ 16h loa phát thanh của địa phương liên tục phát bản tin về bão, kêu gọi người dân chằng chống nhà cửa, đóng cửa hàng kinh doanh trước 17h. Dọc bãi tắm, nhân viên cứu hộ cùng cán bộ thị xã bắc loa kêu gọi du khách lên bờ, đề phòng sóng mạnh nguy hiểm.
Sau nỗ lực kêu gọi, cùng với trời mưa giông từng đợt, đến 19h du khách tắm biển đã lên hết bờ, trở về các khách sạn. Dọc tuyến đường Bình Minh, nhiều quán cà phê, nhà hàng ăn nhậu vẫn mở cửa đón khách. Một số đoạn đường ngập cục bộ 20-30 cm, phương tiện tham gia giao thông ít hơn so với thường lệ.
Đường phố Cửa Lò thưa vắng xe cộ. Ảnh: Hải Bình. |
Tại thành phố Vinh chiều nay mưa trút từng cơn, UBND thành phố đã thành lập các tổ công tác rà soát, hạ thấp cẩu tháp tại công trình xây dựng để đảm bảo an toàn. Công ty công viên cây xanh đã cắt tỉa nhiều cây dọc các tuyến đường.
Các huyện ven biển Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, từ chiều nay hệ thống loa phát thanh cũng liên tục phát đi thông báo về bão.
Phó chủ tịch tỉnh Đinh Viết Hồng cho biết, cuối giờ chiều nay gần 4.000 tàu với hơn 18.000 ngư dân đã cập bờ. Đến 17h, chưa có địa phương nào phải di dân. Mực nước tại các hồ thủy lợi, đập thủy điện chủ yếu đạt 40-65% dung tích, nên không phải rút nước.
"Các phương án ứng phó với cơn bão sắp đổ bộ đã được tỉnh triển khai quyết liệt, đến lúc này đã hoàn thành theo kế hoạch. Tỉnh xác định tinh thần không chủ quan trước bão lũ", ông Hồng nhấn mạnh.
Ông Ngô Đức Hợi, Trưởng ban phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau 17h30 ngày 16/7, toàn bộ hơn 6.000 thuyền với hơn 17.000 lao động của tỉnh đã cập bến tại các khu tránh trú bão ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.
Tại các huyện được xác định sẽ ảnh hưởng bởi cơn bão như Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, nhà chức trách đã di chuyển hơn 2.000 người đến nơi an toàn.
Các hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Hộ Độ, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) hối hả làm lồng bè mới để di dời cá vào trong đê tránh bão. Ảnh: Đức Hùng. |
Trước đó, hàng chục hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Hộ Độ ở xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) đã kết lồng để chuyển hàng chục tấn cá vào trong đê. Ông Nguyễn Xuân Huy (47 tuổi, trú xã Thạch Hạ) cho biết, có hơn 30 hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Hộ Độ, với các loại như chim, mú, hồng mỹ. Hộ nuôi nhiều nhất khoảng 3 tấn, còn lại trung bình 500 kg đến một tạ.
“Khi nghe tin bão về, chúng tôi gấp rút vớt cá, dùng thuyền chuyển vào trong đê. Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, khi trời rét đậm hoặc lũ lụt, mọi người chủ quan để cá ngoài sông nên mất trắng”, ông Huy nói.
Người dân hối hả đưa cá lồng từ biển vào tránh bão.
Dự báo của cơ quan khí tượng, ảnh hưởng của bão Talas, từ ngày 16 đến 18/7, Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to. Trong đó Thanh Hóa, Nghệ An lượng mưa 250-350 mm; đồng bằng Bắc Bộ và Hà Tĩnh 150-250 mm. Các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên 100-200 mm. Khu vực khác của Bắc Bộ và Quảng Bình - Thừa Thiên Huế 50-150 mm. Mưa lớn gây ngập úng tại các đô thị và thành phố của Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở vùng trũng có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. |
Ý kiến bạn đọc