Sự biến mất các rạn san hô trên thế giới có thể khiến lũ lụt tại vùng duyên hải trở nên nguy hiểm gấp đôi, đồng thời tăng gấp 3 sức phá hủy của các cơn bão.
Theo một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications, cùng với các nguy cơ như mực nước biển dâng và ấm lên toàn cầu, sự biến mất của các rạn san hô có thể khiến lũ lụt nguy hiểm hơn gấp 4 lần vào cuối thế kỷ 21.
Sự biến mất các rạn san hô trên thế giới có thể khiến bão lũ nguy hiểm gấp 2-4 lần hiện nay - (Ảnh: phys.org).
Ngoài ra, thiếu sự chắn đỡ của các rạn san hô, một cơn bão cường độ lớn có thể trở nên nguy hiểm gấp đôi và gây thiệt hại lên tới hàng chục tỉ USD.
Cụ thể, các nhà khoa học tính toán lũ lụt tại các vùng duyên hải có thể gây thiệt hại gần 4 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, nếu các rạn san hô toàn cầu bị xói mòn khoảng 1m, con số thiệt hại có thể tăng gấp đôi lên 8 tỉ USD.
Các nước dễ bị tổn thương nhất bao gồm Indonesia, Philippines, Malaysia, Mexico và Cuba. Ngoài ra, Saudi Arabia, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam cũng thuộc diện nguy hiểm.
Micheal Beck - chuyên gia tại Đại học California đồng thời cũng là người đứng đầu công trình nghiên cứu, cho biết các rạn san hô là những "rào cản tự nhiên" giúp giảm sức phá hủy của các cơn sóng lớn.
Do đó, khi các rào chắn này thu hẹp lại hay dần biến mất, nhiều khu vực duyên hải sẽ phải đối mặt với nguy cơ từ những trận lũ có sức tàn phá dữ dội chưa từng có.
Theo giới khoa học, nhiều diện tích trong tổng số 71.000km rạn san hô bờ biển trên toàn thế giới đang bị tàn phá do các hoạt động khai thác vùng duyên hải của con người. Bên cạnh đó, san hô cũng bị ảnh hưởng do nước biển ấm lên.
Trước đó, năm 2016, một đợt nhiệt độ nước biển tăng cao bất thường đã làm chết gần 30% rạn san hô Great Barrier của Úc.
Ý kiến bạn đọc