Bài tập hít đất (chống đẩy) vốn “xưa như trái đất” nhưng gần đây lại được hâm nóng thành một phong trào trên Facebook với thử thách hít đất 22 cái mỗi ngày, liên tục trong 22 ngày. Người tham gia phải quay clip quá trình thực hiện, đăng lên Facebook và được quyền “thách” ai đó làm điều tương tự.
Sau lời thách đấu là… nhập viện
Nhận lời thách đấu của một người bạn, nhìn xuống vòng bụng hơi bị to do thường xuyên phải nhậu với đối tác, anh Nguyễn Trường T. (38 tuổi; ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) vẫn đồng ý.
Anh T. không khó khăn để thực hiện thử thách trong ngày đầu bởi 22 cái hít đất không phải là điều quá sức với một người đàn ông chưa đến 40 tuổi, sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, anh bắt đầu có cảm giác ê ẩm. Chiều đi làm về, dù đau, anh cũng ráng tiếp tục hít đất. Không ngờ, vừa bắt đầu cái thứ nhất thì một cơn đau dữ dội lan khắp vùng bụng khiến anh phải nằm vật ngay xuống sàn. Không chịu bỏ cuộc, anh cắn răng cố hít tiếp nhưng chỉ được 10 cái là ngưng. Sang ngày thứ ba, T. mới thực sự “thấm đòn” vì cảm giác đau dữ dội ở cơ bụng hành hạ anh theo từng chuyển động.
Trong khi đó, dù phải nghỉ làm ở nhà cả tuần vì trật chân, chị Trần Thị A. (27 tuổi) không khỏi buồn cười khi nhớ về thử thách squat khiến chị… té cầu thang. Cũng nhận lời thách đấu của một người bạn, chị bắt đầu tập động tác squat với lịch 4 ngày tập 1 ngày nghỉ trong suốt 1 tháng. Mỗi ngày, chị phải thực hiện 50 cái.
Squat là dạng bài tập được nhiều chị em yêu thích bởi tác động tốt lên vùng cơ mông - đùi, giúp cải thiện vòng 3 và cho cặp chân săn chắc. Nghĩ squat sẽ giúp mình đẹp hơn, chị A. đã làm đủ 50 cái ngay trong ngày đầu tiên. Thế nhưng, đến sáng hôm sau, khi mới bước được vài bậc xuống cầu thang chung cư, chị đã ngã nhào vì đôi chân bủn rủn, không còn sức trụ vững.
Người ít vận động, lớn tuổi nên cẩn trọng
Theo bác sĩ (BS) Vương Hữu Định, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, cảm giác đau đớn, chấn thương không có gì khó hiểu đối với những người chưa từng tập luyện lại bắt đầu một “thử thách” mà cơ thể khó lòng thích nghi được. “Trong tập luyện, không có ai giống nhau. Người khác làm được không có nghĩa là mình làm được. Đó là lý do khi muốn bắt đầu tập gym để cải thiện vóc dáng, người tập cần một huấn luyện viên để hướng dẫn cụ thể, phù hợp với thể trạng” - ông giải thích.
BS Định cho rằng một người dù có sức khỏe tốt, không bệnh tật gì nhưng trước giờ không thường xuyên tập luyện, nay lại bắt đầu ngay với một động tác thể dục nặng thì dễ bị tổn thương cơ - xương - khớp vì không kịp thích nghi. Nếu vì công việc bận rộn mà thỉnh thoảng mới tập một lần thật nặng cũng không hề tốt. Hãy cân nhắc giờ giấc, lịch làm việc, sinh hoạt… để duy trì việc tập luyện thường xuyên.
Ngoài những người ít vận động, nhóm người trên 40 tuổi cũng phải lưu ý khi tập nặng. Lý do là hệ xương - khớp ở tuổi này đã bắt đầu lão hóa, nếu không khởi động kỹ hoặc cố tập với cường độ như ngày xưa thì sẽ dễ bị chấn thương. Chấn thương cơ - xương - khớp ở tuổi này thường nặng và lâu khỏi hơn so với người trẻ.
Đau do các chấn thương vi thể
TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho biết những cơn đau “nhừ tử” mà người vừa bắt đầu “thử thách sức khỏe” gặp phải thường là những chấn thương vi thể ở hệ cơ - xương - khớp. Thường gặp là tình trạng căng cơ, sang chấn nhỏ tại các điểm bám của gân, cơ… Nhiều người nghĩ “mới tập nên đau” và hôm sau vẫn cố nén đau tập tiếp là không nên. Các cơn đau, chấn thương “lặt vặt” nếu để xảy ra quá nhiều lần sẽ tác động xấu đến hệ cơ - xương - khớp. Tốt nhất, nên nghỉ ngơi vài ngày cho bớt đau rồi bắt đầu tập lại một cách khoa học, tăng dần cường độ qua từng ngày.
“Với những bài tập phải nâng tạ hay một số bài tập chịu lực lên cột sống, nếu thực hành không đúng có thể xảy ra tình trạng cụp xương sống. Đây là một chấn thương không nhẹ, đòi hỏi phải nghỉ ngơi và nên được BS chuyên khoa thăm khám” - BS Lý lưu ý.
Theo các chuyên gia, khi phải thực hiện các “thử thách”, tốt nhất hãy chọn một thử thách khoa học. Ví dụ, với thử thách squat, có những lịch tập đều đều mỗi ngày 50 cái, điều đó không nên. Trong khi đó, một lịch tập phổ biến khác yêu cầu tăng dần từ 20, 25, 30… lên đến hàng trăm cái và những người tập cho biết họ không hề đau đớn khi thực hiện.
Nên đi khám khi đau dai dẳng, quá nặng
Theo BS Vương Hữu Định, những cơn đau do tập vội, tập sai phương pháp thường sẽ giảm rõ rệt trong khoảng 3 ngày và khỏi hẳn trong 1 tuần. Bởi lẽ, cơ thể có thể sản sinh chất giảm đau nội sinh cũng như những thương tổn nhỏ sẽ có cơ hội hồi phục nếu người bệnh có chế độ nghỉ ngơi, vận động hợp lý. Tuy nhiên, nếu những cơn đau cứ kéo dài dai dẳng, không thể chịu nổi, ảnh hưởng lớn đến việc sinh hoạt, đi lại… thì tốt nhất nên đi khám. Một số tổn thương, như tổn thương dây chằng, thường cần sự can thiệp của BS chuyên khoa.
Ý kiến bạn đọc