Theo các chuyên gia, chất liệu tạo nên nội thất đều tạo ra các khí độc, trong đó nhiều nhất là ở hai thời điểm, khi mới mua xe và lúc đỗ lâu dưới trời nắng. Những mùi này tạo ra thứ mùi xe mới mà nhiều người thích nhưng nhiều người lại không thể chịu nổi.
Qua thời gian sử dụng, những thứ mùi này dần bị át đi bởi nhiều yếu tố trong đó có việc bề mặt được tiếp xúc nhiều nên chai lì, không thoát mùi. Khi nhiệt độ cao dưới trời nắng, lượng khí độc này sẽ bùng phát.
Theo Howstuffworks, có khoảng 275 chất độc, trong đó có 50 loại phổ biến. Các hãng đang nỗ lực giảm lượng chất hóa học sử dụng trong nội thất, nhưng chưa thể triệt để vì để giảm chất hóa học, chi phí tăng cao, giá xe cũng tăng cao.
Để hạn chế khí độc, tài xế nên mở hết các cửa, dập một bên cửa nhiều lần để xua hết không khí ra ngoài trước khi lên xe. Nổ máy, hạ hết cửa kính, bật quạt gió mức mạnh để lưu thông không khí, lấy khí tươi trước khi kéo hết các cửa để điều hòa làm mát khoang nội thất.
Ngủ trong ôtô bật điều hòa có thể mất mạng
Trời nắng là lúc nhiều người có ý định ngủ trong ôtô thường đóng kín cửa, nổ máy và bật điều hòa. Cách làm này có thể cướp mạng sống của người ngủ vì thiếu không khí.
Lời khuyên là nên mở hé cửa kính, đỗ xe nơi mát, và đặt báo thức khoảng 15-30 phút thức dậy, đi ra ngoài.
Hệ thống "nước" trên xe tức các chất lỏng gồm dầu động cơ, hộp số, dầu phanh, nước làm mát, nước rửa kính, dầu hệ thống trợ lực có thể bị bay hơi nhanh hơn trong mùa hè. Do đó, cần kiểm tra liên tục các hệ thống này, đặc biệt là nước mát. Trước mỗi chuyến đi xa nên kiểm tra và châm đầy bình nước mát.
Nếu xe bị quá nhiệt dọc đường, không mở ngay nắp bình để kiểm tra vì lúc đó nước đang nóng có thể phụt gây bỏng. Đợi máy nguội bớt, lấy khăn lót nắp và mở từ từ để xì bớt áp lực bên trong trước khi mở hẳn nắp để kiểm tra, châm thêm nước.
Nếu không có nước mát chuyên dụng, để giải quyết tình huống khẩn cấp có thể mua chai nước tinh khiết. Không dùng nước ao, hồ, sông, suối vì có thể chứa nhiều chất hóa học, cặn bẩn ăn mòn hệ thống tản nhiệt.
Vào mùa hè, nhiệt độ tăng cao kết hợp việc di chuyển thời gian dài trên mặt đường bỏng rát khiến áp suất lốp tăng so với điều kiện thông thường. Nếu xe bơm quá căng, bề mặt lốp không tốt có thể dẫn tới nổ.
Người dùng nên tuân thủ theo chỉ số áp suất lốp do hãng đưa ra, thường ghi ở mặt trong cánh cửa hoặc trong sách hướng dẫn. Bên cạnh đó, cũng nên lưu ý, không bơm lốp khi vừa chạy quãng đường dài vì lúc này lốp bị nóng lên, khiến khí giãn nở, kết quả không chính xác khi nguội.
Mùa hè bơm thấp hơn khuyến cáo. Ví dụ nếu khuyến cáo là 2,2 kg/cm2 thì nên bơm 2,1 kg/cm1. Trong khi mùa đông thì bơm bằng khuyến cáo.
Ý kiến bạn đọc