Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề chính trị Jeffrey Feltman hôm nay 7/12 đã kết thúc chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Bình Nhưỡng và quay trở về trụ sở của Liên Hợp Quốc. Là đại diện cấp cao của Liên Hợp Quốc, ông Feltman đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho và một số quan chức khác của Triều Tiên để thảo luận về một loạt vấn đề sau vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của Bình Nhưỡng hôm 29/11.
Giới quan sát từng dự đoán rằng ông Feltman có thể sẽ gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong chuyến đi lần này vì ông là quan chức cấp cao nhất của Liên Hợp Quốc tới Triều Tiên từ năm 2010 đến nay. Ngoài ra, Triều Tiên được cho là đang mong muốn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chấm dứt các biện pháp trừng phạt nước này. Tuy nhiên, trái với suy đoán của nhiều người, không có cuộc gặp nào diễn ra giữa ông Feltman và ông Kim Jong-un.
Sau chuyến đi tới Triều Tiên lần này, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc trở thành quan chức cấp cao tiếp theo bị nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ chối gặp mặt. Trước đó, đặc phái viên Song Tao, lãnh đạo cơ quan đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), và cựu Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Lee Hee-ho cũng rơi vào tình huống tương tự.
Ông Song đến Triều Tiên hồi giữa tháng 11 với tư cách là đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến đi của ông Song tới Triều Tiên diễn ra sau khi ông Tập Cận Bình tiếp tục được trao quyền lãnh đạo đất nước thêm nhiệm kỳ 5 năm sau kỳ họp của đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) hồi tháng 10. Trong khi đó, bà Lee Hee-ho, vợ cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung, cũng từng tới Triều Tiên hồi tháng 8/2015 trên cơ sở hỗ trợ nhân đạo sau khi ông Kim Jong-un mời bà bằng thư riêng.
Lý do từ chối
Các nhà phân tích cho rằng lý do dẫn tới việc Tổng thống Trump từ chối gặp mặt các quan chức cấp cao nước ngoài phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn xem xét tác động của chuyến thăm tới tình hình chính trị ở Triều Tiên, các vấn đề về nghi thức ngoại giao hay mục đích của chuyến thăm.
“Trong trường hợp của ông Feltman, việc ông ấy là quan chức cấp cao nhất của Liên Hợp Quốc tới Bình Nhưỡng trong những năm qua không phải là điều quan trọng. Ông ấy vẫn chưa phải là người nắm giữ vị trí đủ cao để gặp nguyên thủ một nước, do vậy không có gì ngạc nhiên khi ông Kim không gặp ông ấy”, Giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Triều Teien nhận định.
Nhà nghiên cứu Paik Ha-soon thuộc Viện Nghiên cứu Sejong cũng đồng tình với quan điểm trên. Theo ông Paik, “ông Kim không có lý do gì phải gặp Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hoặc những người có vị trí ngang hàng, trừ khi họ có thể tự đưa ra những quyết định về các vấn đề có liên quan tới số phận của Triều Tiên”.
Giáo sư Yang cho rằng cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và Phó Tổng thư ký Feltman nếu diễn ra sẽ chỉ càng khiến cho nhà lãnh đạo Triều Tiên cảm thấy khó xử trong việc theo đuổi tham vọng hạt nhân của ông.
“Hiển nhiên là ông Feltman sẽ kêu gọi ông Kim dừng các chương trình hạt nhân và tên lửa nếu hai người gặp nhau. Và ông Kim có thể cảm thấy lo ngại rằng cuộc gặp giữa ông với ông Feltman sẽ bị xem là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đã từ bỏ tham vọng hạt nhân của nước này”, Giáo sư Yang cho biết thêm.
Liên quan tới chuyến đi của đặc phái viên Trung Quốc Song Tao tới Triều Tiên, các chuyên gia cho rằng lý do khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un không muốn gặp mặt ông Tao là vì ông Kim không hài lòng với Chủ tịch Tập Cận Bình về việc Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an nhằm vào Bình Nhưỡng. Các nhà phân tích cũng chỉ ra sự khác biệt giữa hai sự kiện khi hồi tháng 10/2015, ông Kim Jong-un đã tiếp đón một đặc phái viên khác của ông Tập là Liu Yunshan. Khi đó, chuyến thăm diễn ra nhân kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên.
“Việc ông Kim từ chối gặp mặt là một thông điệp chính trị (Triều Tiên) gửi tới Trung Quốc”, Giáo sư Yang nhận định.
Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ chối gặp cựu Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Lee Hee-ho năm 2015 cũng làm dấy lên nhiều đồn đoán tại Hàn Quốc, đặc biệt nếu xét đến mối quan hệ giữa cha của ông Kim Jong-un, cố lãnh đạo Kim Jong-il, và chồng của bà Lee Hee-ho, cố Tổng thống Kim Dae-jung. Ông Kim Jong-il và ông Kim Dae-jung từng tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên năm 2000.
Tuy nhiên, chính quyền của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã “hạ thấp” tầm quan trọng chuyến đi của bà Lee Hee-ho tới Triều Tiên, cho rằng đây chỉ là chuyến đi ở “cấp độ cá nhân” và không đại diện cho chính phủ Hàn Quốc trước khi bà tới Bình Nhưỡng. Trong khi đó, các đảng đối lập tại Hàn Quốc đã chỉ trích lập trường này của cựu Tổng thống Park và cáo buộc chính quyền của bà coi thường vai trò của cựu Đệ nhất phu nhân Lee trong việc cải thiện mối quan hệ liên Triều.
“Sẽ là phù hợp nếu ông Kim Jong-un gặp bà Lee Hee-ho, đặc biệt ông lại là người mời bà tới Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Kim cũng không có trách nhiệm phải gặp bất kỳ ai tới đất nước của ông nếu chỉ vì các mục đích cá nhân”, Giáo sư Yang cho biết.
Mặc dù tránh mặt các quan chức nước ngoài cấp cao, nhưng ông Kim Jong-un sẵn lòng gặp ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman nhiều lần khi anh này tới Triều Tiên. Dennis Rodman được cho là người Mỹ duy nhất từng tiếp xúc với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, một người đam mê bóng rổ, kể từ khi ông bắt đầu nắm quyền điều hành đất nước hồi tháng 12/2011.
Ý kiến bạn đọc