Đặng Hoài Như trúng tuyển 8 đại học danh tiếng của Mỹ. Ảnh: NVCC |
Sinh sống và học tập tại Mỹ từ năm 2011, Đặng Hoài Như luôn khiến thầy cô, bạn bè ngạc nhiên bởi thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa. Mới đây cô gái sinh năm 1999 nhận được thư báo trúng tuyển kèm chi tiết mức hỗ trợ toàn bộ học phí từ cả 8 đại học em nộp đơn xét tuyển, bao gồm trường trong khối Ivy League là Harvard, Yale, Princeton; các đại học hàng đầu thế giới như Viện Công nghệ Massachussets (MIT), Stanford, Johns Hopkins và hai đại học UMBC, UMD thuộc bang em sinh sống.
Trong đó, Đại học Harvard có mức hỗ trợ tài chính cao nhất với 300.000 USD trong 4 năm. Ngành học Như lựa chọn là Y Sinh.
Là con một trong một gia đình ở quận 12, TP HCM, năm em lên lớp 7, bố mẹ quyết định di cư sang Mỹ. Năm học đầu tiên ở Mỹ, do tiếng Anh không tốt nên kết quả học tập của Như không suôn sẻ như khi còn ở Việt Nam. Em phải tự nâng cao khả năng ngoại ngữ, nhờ thầy cô giúp đỡ khi không hiểu bài. Như cũng dành nhiều thời gian tham gia các khóa học trải nghiệm, tự nghiên cứu thêm qua sách báo và các bài giảng trên mạng để cải thiện thành tích học tập.
Kết quả, năm lớp 8 Như nhận được bằng khen của Tổng thống Obama dành cho học sinh có thành tích học tập xuất sắc và năng nổ trong các hoạt động phong trào. Cuối lớp 10 và lớp 11, em được Bộ Đại học Mỹ tặng bằng khen vì có kết quả cao tại lớp đầu đại học dành cho học sinh phổ thông (AP). Mới đây, em được nhận giải thưởng Phụ nữ trẻ của năm do Thống đốc bang Maryland trao tặng.
Hoài Như từng nhận được bằng khen của Tổng thống Obama. Ảnh: NVCC |
Cuộc sống những năm đầu ở Mỹ khó khăn và những biến cố xảy ra với mẹ khiến Như nghĩ nhiều về gia đình và càng quyết tâm hơn trong học tập. Như cho biết từ khi sang Mỹ, căn bệnh viêm mũi dị ứng của mẹ thường xuyên tái phát, nhưng vì không giỏi ngoại ngữ nên gia đình không thể tìm hiểu để được hưởng chế độ y tế Mỹ cho người di cư.
“Mẹ em đã tự mua thuốc uống và bị tác dụng phụ của thuốc khiến đau dạ dày. Điều đó khiến em quyết tâm trở thành bác sĩ, mặc dù trước đó em luôn muốn làm giáo viên dạy Văn hay luật sư”, Như nói và cho biết thêm bắt đầu tham gia các lớp học hè tìm hiểu về cấu trúc cơ thể người, từ đó càng thêm đam mê môn Sinh học và chuyên ngành Y Sinh.
Câu chuyện về căn bệnh của mẹ, trăn trở của Như khi những người di cư không được hưởng chế độ y tế Mỹ do thiếu hiểu biết được em đưa vào bài luận gửi tới các trường đại học. “Họ đã rất ấn tượng với bài luận và em nghĩ đó là yếu tố quan trọng giúp em được nhiều trường nhận”, Như chia sẻ.
Ngoài bài luận được đánh giá cao, Như cũng gây ấn tượng với kết quả bài thi chuẩn hóa. Em đạt 1540/1600 điểm SAT, đạt 800/800 ở bài thi SAT Toán và Hóa, đạt 790/800 bài SAT Sinh học. Bằng khen từ Bộ Đại học Mỹ cũng giúp Như có bộ hồ sơ đẹp hơn trong mắt những nhà tuyển sinh.
Hoài Như là niềm tự hào của bố mẹ và các thầy cô trường trung học Parkville. Ảnh: NVCC |
Đạt được thành tích học tập đáng nể nhưng nữ sinh đến từ TP HCM tự nhận không phải kiểu học sinh chỉ biết học. Như thường xuyên tham gia hoạt động ngoại khóa và vẫn làm những điều mình thích như nghe nhạc, đọc báo.
Hoài Như hiện là trưởng Câu lạc bộ sách của trường trung học Parkville, thành viên một câu lạc bộ kết nối cộng đồng, gây quỹ hỗ trợ bệnh nhân uốn ván ở châu Phi. Em cũng tham gia các hoạt động xã hội như làm công tác vận động tại trung tâm hiến máu nhân đạo, giúp đỡ nạn nhân các vụ động đất hay lũ lụt.
“Hoạt động ngoại khóa là yếu tố được bộ phận tuyển sinh của các trường đại học quan tâm. Nhưng đó không phải điều khiến em tích cực tham gia, chỉ đơn giản là em thích và muốn làm để giúp đỡ mọi người”, Như thẳng thắn chia sẻ.
Hiện tại, Như phải tiếp tục hoàn thành chương trình lớp 12 ở trường với những kỳ thi cuối cùng đầy căng thẳng. Em cũng dành thời gian đi tham quan trường đại học mình trúng tuyển theo lời mời của họ. Như đang phân vân giữa việc lựa chọn chuyên ngành Y Sinh tại Đại học Yale hay Harvard và em còn một tháng để quyết định.
“Em nộp đơn và biết kết quả trúng tuyển Đại học Yale sớm nhất. Nhiều tổng thống Mỹ từng học ở Yale và đào tạo kỹ năng xã hội là thế mạnh của trường. Với Harvard, em sẽ có cơ hội phụ giúp bác sĩ ở các bệnh viện thuộc khu vực Boston hay làm tình nguyện viên ở phòng thí nghiệm của các giáo sư”, Như phân tích và khẳng định nếu chọn Harvard thì chắc chắn vì em thực sự thích ngôi trường này sau chuyến tham quan vào tuần tới chứ không phải vì danh tiếng của trường.
Nói về dự định tương lai, Như hy vọng hoàn thành tốt 4 năm Y Sinh ở đại học, sau đó học sâu chuyên ngành bác sĩ đa khoa. “Em muốn trở thành bác sĩ giỏi có thể giúp mọi người. Bên cạnh đó, em sẽ giúp đỡ những người di cư có đầy đủ thông tin, kiến thức để được hưởng chế độ y tế ở Mỹ”, Như chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc