Các quan sát kỹ càng hơn sau đó với sự hỗ trợ của Kính viễn vọng Subaru (đặt tại Hawaii - Mỹ) của Đài thiên văn Quốc gia Nhật Bản đã giúp các nhà khoa học chụp được hình ảnh đặc biệt hiếm hoi về một hành tinh khổng lồ quay quanh ngôi sao đó.
Hình ảnh ngoạn mục về một hành tinh ngoài Hệ Mặt trời - (Ảnh: SUBARU/UTSA)
Theo Science Alert, đó là một điều hiếm thấy bởi trước đây các nghiên cứu về ngoại hành tinh thường chỉ có thể dựa trên dữ liệu quang phổ, dữ liệu gián tiếp về cách hành tinh đó tương tác với sao mẹ và các phép đo thiên văn khác. Đơn giản vì chúng quá xa để nhìn thấy trực tiếp.
Nhưng hành tinh mang tên HIP-99770b xuất hiện như một dịp may hiếm có, một phần vì nó quá lớn.
"Việc thực hiện nghiên cứu trên cả hình ảnh trực tiếp và phép đo thiên văn cho phép chúng tôi hiểu đầy đủ về một ngoại hành tinh: Đo bầu khí quyển, cân nặng và theo dõi nó cùng một lúc" - nhà vật lý thiên văn Thayne Currie, đang đồng thời công tác tại nhóm điều hành Kính viễn vọng Subaru và Trường Đại học Texas ở San Antonio (Mỹ), cho biết.
HIP-99770b không giống Trái đất, nhưng là khởi đầu cho niềm hy vọng quan sát trực tiếp một người anh em song sinh của Trái đất trong tương lai.
Các dữ liệu quang phổ cho thấy hành tinh này cách sao mẹ của nó tới 17 đơn vị thiên văn, tức 17 lần khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời.
Nó cũng to lớn và nặng khủng khiếp, với khối lượng 14-16 lần sao Mộc (tương đương hơn 4.450 đến hơn 5.000 lần Trái đất), dù bán kính chỉ khoảng 1,05 sao Mộc.
Ngôi sao mẹ của nó lớn hơn Mặt trời nhiều nên hành tinh này nhận được lượng bức xạ tương đương sao Mộc, với bằng chứng về nước và carbon monoxide trong bầu khí quyển.
Nghiên cứu ban đầu vừa được công bố trên Science; trong khi các kết quả bổ sung từ các bước phân tích cụ thể hơn tiếp theo sẽ được công bố vào cuối năm nay và năm sau.
Ý kiến bạn đọc