Để hoàn tất hành trình đi tìm sự sống ngoài Trái đất, có 3 tiêu chí được xem là chìa khóa tiên quyết.
Đầu tiên, chúng ta phải tìm được một hành tinh có kích cỡ tương đồng với Trái đất. Thứ 2, nó phải có khoảng cách đủ gần. Và cuối cùng, quỹ đạo của nó phải đi ngang qua ngôi sao chủ ở góc độ chúng ta có thể quan sát, qua đó nghiên cứu được thành phần khí quyển.
Dựa trên những yếu tố này, ngôi sao GJ 9827 mà Kepler mới tìm ra có thể là một trong những phát hiện quan trọng nhất lịch sử.
Theo đó, các chuyên gia nhận thấy có 3 "siêu Trái đất" đang xoay quanh nó. Hệ sao - hành tinh này cách chúng ta 98 năm ánh sáng, và là ứng cử viên cực kỳ tuyệt vời để nghiên cứu được bầu khí quyển của chúng.
"Các phân tích đầu tiên cho thấy nhóm hành tinh của GJ 9827 là những ứng viên tuyệt vời để nghiên cứu khí quyển" - trích lời Prajwal Niraula từ ĐH Wesleyan (Mỹ).
Niraula cho biết, GJ 9827 là một ngôi sao có kích cỡ và khối lượng bằng khoảng 70% so với Mặt trời. 3 hành tinh (mang mã GJ 9827b, c, và d) có đường kích lớn hơn Trái đất lần lượt là 1,75, 1,36 và 2,1 lần.
Theo các nghiên cứu trước kia, kích cỡ gấp 1,5 lần Trái đất được cho là ngưỡng cực đại, trước khi một hành tinh chuyển thành một tinh cầu khí. Vậy nên, 3 con số hoàn hảo này sẽ cho phép chúng ta quan sát được sự thay đổi của các hành tinh theo kích cỡ, trên cùng một hệ sao.
Đây là những hành tinh gần nhất do tàu Kepler tìm được. Trên thực tế, những hành tinh do kính thiên văn mang lại thì gần hơn, nhưng chủ yếu xác định từ ánh sáng bị nhiễu loạn do sóng hấp dẫn. Trong khi đó, 3 hành tinh mới này đến từ việc chúng đi qua ngôi sao chủ ở góc độ chúng ta có thể quan sát.
"Đây là một trong những mục tiêu tuyệt hảo nhất nhằm nghiên cứu thành phần khí quyển, vì ánh sáng chiếu đến chúng là tương đối rõ ràng." - Niraula cho biết.
"Ít nhất cũng thuộc top 5, theo đánh giá của chúng tôi."
Khi thấy được ánh sáng xuyên qua bầu khí quyển, chúng ta có thể quan sát quang phổ, xác định thành phần, và từ đó xác định được có gì đằng sau lớp khí quyển ấy. Tính đến nay, đây là phương pháp tốt nhất để biết được tình hình sự sống ở các hành tinh ngoài Trái đất.
Đây là những nhiệm vụ cuối cùng của tàu vũ trụ Kepler.
Cũng cần biết rằng GJ 9827b, c và d nhiều khả năng không thể nuôi dưỡng sự sống, vì khoảng cách giữa chúng và sao chủ hoặc quá gần, hoặc quá xa. Nhưng Niraula cho biết, nhiều khả năng bầu khí quyển của chúng vẫn tiết lộ rất nhiều thông tin, giống như trường hợp sao Kim của Hệ Mặt trời.
Ý kiến bạn đọc