Một trong những điểm bổ sung được chú ý nhất của Nghị định 49 là ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, thuê bao cần phải bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ. Nhà mạng sẽ phải thực hiện lấy những thông tin này đối với các thuê bao đăng ký mới sau ngày 24/4/2017. Với các thuê bao đã kích hoạt trước ngày 24/4/2017 thì nhà mạng có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định mới.
Các nhà mạng hiện đều đã có thông báo và đang triển khai việc chụp ảnh người trực tiếp đến giao dịch và ký kết hợp đồng. Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, quy định nêu rõ sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày và tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.
Nghị định cũng quy định rõ, doanh nghiệp viễn thông có 12 tháng để chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu thuê bao, trước khi phải chịu phạt tiền nếu bị phát hiện thông tin thuê bao sai lệch.
Nghị định này được ban hành với mục đích tăng cường quản lý thuê bao di động và ngăn chặn tin nhắn rác. Theo cơ quan quản lý, mỗi ngày ở Việt Nam có hàng triệu tin nhắn rác được phát tán. Các tin nhắn rác này chủ yếu xuất phát từ các sim rác, là những sim thuê bao di động trả trước đăng ký thông tin chủ thuê bao không chính xác. Nhiều đối tượng đã dễ dàng mua những số thuê bao này để gửi tin nhắn nặc danh, lừa đảo, gây rối trật tự, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân cũng như an ninh thông tin, quốc phòng.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin & Truyền thông cho rằng sim rác không chỉ dẫn tới vấn nạn tin nhắn rác, lừa đảo mà còn là công cụ của tội phạm, thậm chí khủng bố. Đây chính là lý do mà cơ quan quản lý tăng cường công tác quản lý thuê bao di động trả trước bằng các chiến dịch liên tục kéo dài từ cuối năm ngoái.
Ý kiến bạn đọc