Sở Y tế TP HCM thiết lập đường dây nóng 0989 401 155 tiếp nhận cuộc gọi của người dân phản ánh khi bị các phòng khám lừa gạt, "vẽ bệnh".
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết số điện thoại này do Thanh tra Sở quản lý, nhằm phát hiện sai phạm của các phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài, chủ yếu là phòng khám Trung Quốc. Hiện nhiều cơ sở thuộc nhóm này vi phạm quy định trong hoạt động khám chữa bệnh, sau một thời gian tạm lắng do dịch bệnh Covid-19.
Ngoài đường dây nóng nêu trên, ngành y tế mong muốn người dân hỗ trợ phát hiện, thông báo phòng khám có dấu hiệu vi phạm bằng cách gọi đường dây nóng, báo qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" hoặc bất cứ hình thức nào có thể. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở tiếp tục kiểm tra các phòng khám có yếu tố nước ngoài, xử lý vi phạm; giám sát cơ sở từng vi phạm và bị đình chỉ hoạt động.
Tuần trước, Sở Y tế TP HCM kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam phải thi chứng chỉ, thông thạo và nói tiếng Việt khi khám cho bệnh nhân. Sở cũng đề xuất tăng nặng hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, giấy phép hoạt động nếu tái vi phạm, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề.
Tại các nước trong khu vực, quy định cho bác sĩ nước ngoài hành nghề rất khác nhau, từ đơn giản (dễ dàng cho bác sĩ nước ngoài hành nghề) đến nghiêm ngặt (bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề phải thành thạo ngôn ngữ của nước bản địa, phải trải qua kỳ thi và thỏa một số điều kiện bắt buộc). Chẳng hạn, một bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề tại Lào phải thành thạo ngôn ngữ nước này và trải qua kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề do Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức, chứng chỉ thời hạn 5 năm.
Theo ông Thượng, Sở nhiều lần ra quyết định xử phạt ở khung cao nhất, có nơi bị phạt 315 triệu đồng và tước giấy phép hoạt động có thời hạn nhưng sau đó vi phạm vẫn tiếp diễn. Các vi phạm thường là người khám chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề, vẫn hoạt động trong thời gian bị đình chỉ, sai phạm trong quảng cáo... Nhiều nơi sau đó đổi tên phòng khám nhưng vẫn hoạt động trên cùng địa chỉ ban đầu.
Hồi tháng 8, Thanh tra Sở Y tế TP HCM xử phạt Phòng khám đa khoa Hồng Cường 101 triệu đồng do vi phạm nhiều lỗi, trong đó có chỉ định người bệnh dùng dịch vụ khám chữa bệnh vì vụ lợi, tước giấy phép hoạt động 4 tháng. Phòng khám này từng bị xử phạt 80 triệu đồng vì tự ý sửa hồ sơ bệnh án, chỉ định người bệnh dùng dịch vụ khám chữa bệnh vì vụ lợi, sai phạm về quảng cáo... Năm 2020, cơ sở này bị xử phạt hai lần hơn 130 triệu đồng cũng với những lỗi tương tự.
Năm 2017, Sở Y tế TP HCM công khai 17 phòng khám Trung Quốc tại thành phố bị nhiều bệnh nhân khiếu nại. Những phòng khám này có kịch bản tương tự nhau để "vẽ bệnh", moi tiền người bệnh. Bệnh nhân vào phòng khám, được hướng dẫn thực hiện các xét nghiệm đơn giản chỉ vài trăm nghìn đồng. Sau đó người bệnh được đưa lên bàn thủ thuật mới nhận được các chẩn đoán từ bác sĩ là bệnh rất nặng, nguy hiểm, có thể diễn tiến thành ung thư... với các chi phí điều trị rất cao. Thực hiện xong thủ thuật điều trị bệnh này sẽ phát sinh bệnh khác, bệnh nhân rời phòng khám có khi phải tốn chi phí vài chục triệu đồng.
Ý kiến bạn đọc