Theo ông Lê Trương Cường - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17, Chi cục QLTT Thanh Hóa khẳng định với PV Dân trí,sau khi có thông tin của báo, đơn vị đã kiểm tra và đúng như phản ánh.
Kết quả kiểm tra của Đội QLTT số 17 cho thấy, Công ty TNHH Khí công nghiệp Thanh Hóa (Công ty) đã có hành vi vi phạm hành chính là kinh doanh hóa chất nguy hiểm thuộc danh mục hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện “khí ô xy” mà không có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hóa chất.
“Do theo quy định, mỗi năm đội chỉ được kiểm tra một lần các cơ sở sản xuất, không thể kiểm tra liên tục được nên mới không phát hiện sớm. Ngoài hình thức phạt hành chính, không có hình thức phạt bổ sung, nên sau khi phạt chúng tôi không có quyền đình chỉ hoạt động của họ”, ông Cường lý giải.
Cũng theo thông tin ông Cường cung cấp thì Công ty trước đây có giấy phép hoạt động, tuy nhiên đến năm 2016 thì hết hạn.
“Chúng tôi chỉ có trách nhiệm yêu cầu họ viết cam kết và công ty đã cam kết trong vòng 3 tháng tới sẽ bổ sung giấy phép kinh doanh. Nếu qua 3 tháng, họ không thực hiện đúng như cam kết chúng tôi sẽ tiếp tục phạt và lần này sẽ có tình tiết tăng nặng”, ông Cường cho biết thêm.
Căn cứ quy định tại Nghị định 163, Nghị định 115 và Nghị Định 185, với hành vi vi phạm của Công ty TNHH Khí công nghiệp Thanh Hóa, Đội QLTT số 17 đã tiến hành xử phạt với hình thức phạt tiền là 15 triệu đồng.
Trong khi đó, tại khoản 1, Điều 1, Nghị định 115 (sửa đổi, bổ sung Điều 3, Nghị định 163), quy định: Ngoài hình thức xử phạt hành chính là cảnh cáo và phạt tiền, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau: “Đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, cất giữ hóa chất nguy hiểm...”.
Đồng thời, tại khoản 1, Điều 3, Nghị định 163 về Biện pháp khắc phục hậu quả, quy định: Ngoài hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: “Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tiêu hủy hóa chất nguy hiểm...”.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Chi cục QLTT Thanh Hóa cho biết, đơn vị đã kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm và tiến hành xử phạt theo chế tài và áp dụng theo mặt bằng chung, nguyên tắc là không được vượt quá thẩm quyền. Việc đình chỉ hoạt động hay không là trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Về phía Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (BQLKKTNS&CKCN) tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức kiểm tra thực tế và làm việc với Công ty.
Kết quả kiểm tra, Công ty tự thuê đất của hộ dân tại xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia để sản xuất. Quá trình làm việc, đơn vị này không xuất trình được các hồ sơ cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chiết nạp, kinh doanh khí công nghiệp theo quy định của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Văn Thi - Trưởng BQLKKTNS&CKCN Thanh Hóa cho biết: Thực hiện Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, BQLKKTNS&CKCN đã chuyển nội dung nêu trên đến UBND huyện Tĩnh Gia giải quyết theo quy định. Đồng thời, đề nghị Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia quan tâm, chỉ đạo xử lý và có ý kiến trả lời báo điện tử Dân trí.
Ý kiến bạn đọc